- VỀ KIẾM TIỀN: đừng bao giờ phụ thuộc vào một nguồn thu nhập duy nhất. Hãy đầu tư để tạo ra nguồn thứ hai.
- Bạn đang chỉ sống dựa vào một nguồn thu nhập là từ lương hay chỉ với một khoản thu nhập nào đó? Thế thì bạn hãy lo lắng và bắt tay ngay vào việc tìm kiếm nguồn thu nhập thứ hai đi nhé. Thực tế cũng có nhiều người thay vì tìm kiếm nguồn thu nhập thứ hai thì họ lại chắt bóp chi tiêu quá mức. Điều này khiến đôi lúc chính họ lại đánh mất khoản chi phí cho sức khỏe và cho ngoại giao tích cực. Tại sao bạn lại không sống thoải mái hơn với nhiều thu nhập hơn thay vì cắt đi khoản chi phí cho hai thứ quý giá nhất là sức khỏe và các mối quan hệ xã hội tích cực?
- VỀ TIÊU TIỀN: nếu như bạn muốn mua những thứ bạn không cần thì sớm muộn gì bạn cũng sẽ phải bán những thứ mình cần.
- Cũng có những người thường xuyên mua những thứ họ thích nhưng thực ra sau khi mua về họ mới biết là mình chẳng thực sự cần đến. Điều này đồng nghĩa với việc nếu bạn thường xuyên có thói quen mua những gì bạn thích, mà chẳng bận tâm bạn có thực sự cần đến hay không, thì sớm muộn gì bạn cũng lâm vào cảnh nợ nần, khốn đốn. Cuộc sống đâu phải cứ muốn là được, phải không nào!
- VỀ TIẾT KIỆM TIỀN: không nên tiết kiệm những khoản còn lại sau khi chi tiêu, mà hãy tiêu những khoản còn lại sau khi tiết kiệm.
- Bạn lao động và có được thu nhập hàng tháng, vậy tốt nhất bạn hãy trích ra khoảng 5 - 20% thu nhập đó cho tiết kiệm, tùy vào điều kiện của mỗi người. Tại sao bạn lại không thể thưởng và giữ lại cho mình một phần xứng đáng sức lao động mà bạn bỏ ra, thay vì việc bạn đem đi "cho" hết lại người khác? Thường thì người ta nghĩ tiêu rồi khoản còn lại sẽ tiết kiệm, nhưng hầu như khi tiêu dùng chúng ta đều chẳng biết tiết kiệm, do đó hãy tiết kiệm trước rồi mới tiêu dùng.
- VỀ MẠO HIỂM: đừng bao giờ thử độ sâu dòng sông bằng cả hai chân.
- Cuộc đời luôn luôn chứa đựng những rủi ro, và việc bạn hạn chế được rủi ro nghĩa là bạn luôn làm chủ được cuộc đời của mình. Trong bất cứ một cuộc chơi hay khoản đầu tư nào, bạn cũng phải luôn nhớ đến xác suất thành công, sác xuất càng thấp, tỷ lệ mạo hiểm phải càng thấp. Sở dĩ nhiều người gặp phải cảnh lao đao bởi vì họ không biết được xác suất thành công trong một cuộc chơi hay khoản đầu tư của mình, và họ thường có kiểu như là "xuống xác", "tất tay"... và hậu quả thật đúng như thế.
- VỀ ĐẦU TƯ: đừng bao giờ cho hết tất cả số trứng vào một rổ.
- Điều này hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, xin lưu ý một điểm rằng giả sử với số tiền đầu tư của bạn còn nhỏ, thì việc bạn nghĩ "đa dạng hóa" danh mục đầu tư mới là ngớ ngẩn, lý thuyết suông. Hãy nên tập trung số tiền của bạn vào một hay vài khoản đầu tư tốt nhất theo nhận định của bạn. Và luôn giữ lại một khoản tiền nhàn rỗi, nếu nhận định của bạn là sai thì bạn lại có thêm cơ hội để làm lại. Còn nếu muốn hạn chế mắc sai lầm, bạn hãy đọc Thành công là nhờ đâu? Chỉ khi bạn thật sự nhiều tiền hơn, khi đó bạn mới nghĩ đến việc đa dạng hóa danh mục đầu tư.
- VỀ SỰ KÌ VỌNG: trung thực là một món quà vô cùng đắt giá và đừng bao giờ mong chờ chúng từ những kẻ rẻ tiền.
- Nếu bạn là một người có thu nhập 20 triệu/tháng liệu bạn có nên nghe người có thu nhập 4 triệu/ tháng tư vấn về đầu tư cho bạn không? Nhưng dường như thực tế lại có rất nhiều người cầm tiền tỷ đi đầu tư và nghe răm rắp các broker, chuyên gia tư vấn tài chính dởm tư vấn cho họ. Do đó, ý nghĩa thực tế từ Warren Buffet muốn nói ở đây là: ông chẳng cần phải nghe các chuyên gia, broker, nhà tư vấn tài chính dởm, báo lá cải nào dạy cho ông về đầu tư, bởi vì họ giỏi thì họ chẳng phải đi "hót thuê" để kiếm tiền. Việc đầu tư là việc của riêng ông và do chính ông quyết định cùng những người bạn thực sự giàu có và đáng tin cậy của ông.
Nếu thấy bài viết hay và thực sự hữu ích đối với
bạn, hãy Like và G+1 nhé! Đó thực sự là nguồn động lực to lớn để mình
viết nhiều và thật nhiều hơn nữa!