Không được làm một người "quá khôn"
- Làm người mà dại thì không được rồi, nhưng nếu làm người mà khôn quá, không chừa cho ai thứ gì thì càng tệ hại hơn. Người ta thường nói: "Khôn thì sống, vống (dại) thì chết", điều này đã trở thành ca dao, tục ngữ, nhưng trong giai đoạn hiện nay nghe ra không còn phù hợp nữa. Vì vậy, kinh nghiệm sống của loài người lại dạy cho chúng ta: "Khôn quá cũng chết, dại quá cũng chết, biết thì sống"
- Thật thú vị khi phân tích cái khôn, cái dại, cái biết trong đời sống của con người. Trong cuộc sống có nhiều người luôn có thái độ "dạy đời", cho mình là biết hết, biết nhiều và coi mọi người không ra gì cả. Đó là một loại quá khôn, luôn muốn đứng trên thiên hạ, tranh phần trước thiên hạ.
- Trong cuộc sống cũng có nhiều người sống quá nghiêm khắc, định ra các chuẩn mực của cá nhân nhưng lại muốn mọi người sống tuân theo chuẩn mực đó. Các chuẩn mực đưa ra nói chung là tốt nhưng đâu phải phù hợp với mọi người, mọi hoàn cảnh. Con người ta sống trong hoàn cảnh, môi trường nào thì phải thuận theo hoàn cảnh, môi trường đó, thuận theo văn hóa ứng xử chung của xã hội, của cộng đồng. Cũng như không thể mặc com-plê ra bãi tắm được! Nếu bản thân mình nghiêm khắc quá mức, lấy chuẩn mực của mình để chê bai, dèm pha, khích bác người khác, tự coi mình là "tấm gương"... Đó là loại quá khôn, luôn muốn làm thủ lĩnh, làm chuẩn mực cho mọi người.
- Trong cuộc sống cũng có những người khi quan hệ, tiếp xúc với người khác, họ luôn thể hiện thái độ nửa vời. Họ nói, họ làm, họ đưa ra quyết định lúc thì như chắc chắn 100%, lúc lại chần chừ do dự. Sự nửa vời, sự chần chừ, do dự đó làm cho người khác luôn trong tâm trạng chơi vơi, dù biết sẽ không đâu vào đâu nhưng vẫn nuôi hy vọng và chờ đợi. Người có thái độ nửa vời thường rất chú ý thăm dò thái độ của người khác nhằm tạo dựng niềm tin. Họ che giấu mục đích của mình một cách vụng về, nửa kín, nửa hở như tính cách nửa vời của họ. Tuy nhiên, khi các mục đích cơ bản đã đạt được , họ khéo léo tìm cách rút lui, vừa rút, vừa dừng, có lúc họ giả vờ tiến lên một bước để khôn khéo lùi nhiều bước với các lý do hợp lý, nhẹ nhàng, làm cho người khác thấy họ dường như không có gì đáng chê trách, biết mình thua thiệt nhiều nhưng cũng không nỡ lòng nào chấp vặt với những người như vậy. Đây là một loại người quá khôn, luôn muốn chiếm thế thượng phong và có lợi trong các mối quan hệ, kể cả những mối quan hệ tình nghĩa nhất. Khôn theo kiểu "chém rớt đầu người khác rồi nhưng cái đầu đó vẫn quay lại cảm ơn họ trước khi đi vào cõi vĩnh hằng"
- Trong cuộc sống cũng có rất nhiều người luôn có những kỹ xảo để giành phần thắng mọi lúc, mọi nơi. Họ nói, họ làm, họ ứng xử như trở bàn tay. Khi được ai đó tán thưởng, họ càng thể hiện mình là nhà triết lý, "nói như thánh" và dương dương tự đắc, tự cho mình là người biết nhiều, thông thạo mọi việc. Song, khi có ai đó đặt câu hỏi hay phản biện lại và họ thấy mình sai thì nhanh chóng chối bỏ trách nhiệm, nêu nhiều lý do khách quan, đổ vấy cho người khác, cho hoàn cảnh. Đó cũng là một loại quá khôn, luôn muốn làm thầy thiên hạ, khôn để lẫn tránh trách nhiệm, "mồm miệng đỡ chân tay"
- Trong công việc, chúng ta phải luôn tiết kiệm lời, nói đâu chắc đó, làm việc gì cũng thể hiện tính chín chắn, chắc chắn. Chỉ có thực tế chất lượng công việc mới nói lên tất cả. Trong cuốn "Khoa học lãnh đạo quản lý", tác giả đã cho rằng: "Bản chất của đức không có trong lời nói, chỉ có trong hành động"
- Trong cuộc sống còn có những phức tạp và có thể có những cạm bẫy khó lường, vấn đề cách sống, lối sống có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Xin nhớ rằng hãy luôn phấn đấu để không bao giờ là một người dại, đồng thời phải luôn rèn luyện tác phong, lối sống, cách cư xử để biết khôn. Đừng sống theo kiểu khôn quá, khôn lắt léo, khôn kĩ xảo, khôn vơ hết ưu, hết lợi cho mình... Sống theo kiểu "khôn" đó thì sớm muộn cũng sẽ trở thành một con rối, bị xã hội tẩy chay.
- Vậy cần có cách sống như thế nào? Cách sống tốt nhất đó là phải biết. Sự biết ở đây là biết mình, biết người; biết tiến, biết lui; biết cách, biết phương pháp; biết nói, biết im lặng; biết hành động, không hành động; biết giữ mình, biết bảo vệ người; biết cái chung, biết cái riêng; biết vị trí hiện tại, biết mục đích trong tương lai; biết trong, biết ngoài; biết trên, biết dưới; biết trái, biết phải...
Ý nghĩa thực tiễn:
1/ Muốn khôn thì phải dại, khôn rồi thì đừng nên quá khôn mà hãy biết sống.
2/ Muốn biết sống thì phải rèn luyện và không ngừng học hỏi, bổ sung kiến thức, đúc rút kinh nghiệm trong cuộc sống.
Nếu thấy bài viết hay và thực sự hữu ích đối với bạn, hãy Like và G+1 nhé! Đó thực sự là nguồn động lực to lớn để mình viết nhiều và thật nhiều hơn nữa!