- Có thể nói, trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, phương thức 3 tích lũy, 7 đầu tư đều có thể áp dụng tốt. 3 tích lũy, 7 đầu tư có nghĩa là khi làm ra được 10 phần chỉ nên và cần thiết phải để dành lại 3 phần cho các việc hữu sự, còn lại 7 phần phải chi phí cho tái sản xuất, cho đầu tư sinh lợi.
- Cần thiết phải có 3 tích lũy, nếu làm mà không tích lũy, không tiết kiệm thì khi có sự việc khó khăn đột xuất xảy ra sẽ gặp muôn vàn khó khăn, nhiều người ở trong hoàn cảnh này phải đi vay "nóng", vay lãi suất cao và nợ nần chồng chất, có khi phá sản toàn bộ dẫn tới thay đổi địa vị trong xã hội của bản thân và gia đình.
- Việc tích lũy không phải cứ chờ cho có nhiều mới thực hiện, cần thực hiện khi có rất ít tiền của, cần định mức chi tiêu cho bản thân và gia đình cũng như các hoạt động của tổ chức một cách hợp lý theo khả năng vốn có.
- Khi bàn luận về vấn đề cần thiết phải có 3 tích lũy, có ý kiến cho rằng, trong lúc đang rất khó khăn, làm không đủ ăn thì lấy đâu mà tích lũy. Đúng vậy, có những giai đoạn có thể gặp rất nhiều khó khăn, thu không đủ chi và nhiều trường hợp nợ nần chồng chất dẫn đến phá sản. Trong trường hợp đó, cần nghiêm túc nhìn nhận và đánh giá lại nguyên nhân vì sao? Nếu nguyên nhân do khách quan, tình huống bất khả kháng thì ai cũng phải chấp nhận. Song nếu nguyên nhân do chủ quan, thì phải nghĩ ngay đến vấn đề vì không biết tiết kiệm, không biết tích lũy để dự phòng. Nhiều trường hợp "bóc ngắn cắn dài" nên khi gặp khó khăn thì vô phương cứu chữa. Do đó vấn đề tích lũy phải được tiến hành ngay từ khi có rất ít tiền của. Nhiều trường hợp phải hạn chế tối đa việc chi tiêu, thực hiện chủ trương "thắt lưng buộc bụng" ngay từ khi khởi nghiệp mới hi vọng thành công.
- Bên cạnh tích lũy, cần coi trọng đầu tư, đầu tư 7 phần là hơn 2 lần tích lũy. Chỉ có mạnh dạn đầu tư và đầu tư đúng hướng, đúng năng lực, sở trường, thế mạnh của tổ chức, của cá nhân mới có kết quả.
- Đầu tư bao gồm đầu tư cho tái sản xuất và đầu tư sinh lợi. Trong từng hoàn cảnh cụ thể nếu đầu tư cho sinh lợi chưa thể thực hiện được thì phải coi trọng cho đầu tư tái sản xuất, vì đầu tư cho tái sản xuất xét về lâu dài cũng chính là đầu tư cho phát triển, cho sinh lợi.
- Trong đầu tư cho tái sản xuất, kinh nghiệm thực tế cho thấy, vấn đề đầu tiên và cần thiết nhất là chi phí cho sức khỏe, tiếp đó là chi phí cho học tập nâng cao trình độ và chi phí cho các hoạt động sự nghiệp, trong đó điều không thể thiếu là chi phí cho các hoạt động ngoại giao tích cực.
- Về đầu tư cho sinh lợi, có thể tham khảo công thức 3 cột dọc sau: cột thứ nhất, ghi chép có hệ thống tất cả những sản phẩm khi mua về sẽ không bao giờ bị lỗ (gọi là tài sản, tôi sẽ có bài cụ thể sau). Giá trị của những sản phẩm đó có thể rất ít tiền hoặc nhiều tiền; cột thứ hai, ghi chép có hệ thống tất cả các sản phẩm khi mua về sẽ bị lỗ (tiêu sản), nguyên nhân nào biết lỗ vẫn mua?; cột thứ ba, ghi chép có hệ thống tất cả các sản phẩm khi mua về sẽ bị lỗ nhưng lại có lợi cho lâu dài, nhất là những sản phẩm phục vụ cho sức khỏe, trí tuệ và hoạt động ngoại giao.
- Với cách phân định theo công thức 3 cột dọc trên, mỗi người có thể sẽ xác định được phương hướng đầu tư cho sinh lợi một cách hợp lý nhất. Tuy nhiên cần lưu ý rằng, trong tích lũy và đầu tư mỗi người phải biết "tùy cơ ứng biến", "liệu cơm gắp mắm". Tuyệt đối không quá liều lĩnh, không làm những gì vượt quá sức mình nếu như việc đó chắc chắn không thành công. (Phần này phải cần có một hệ thống kiến thức sâu sắc hơn, tôi sẽ bàn đến trong những bài viết sau)