Login

Thứ Ba, 17 tháng 12, 2013

7 điều cần biết trong quan hệ giữa người với người (tập 2)

Phần lớn các việc trong đời cần tìm con đường ngắn nhất để đi đến thành công, riêng góp ý cho người phải đi đường vòng mới đạt kết quả

- Tâm lý con người thật đa dạng, phức tạp, nhiều lúc con người phạm sai lầm nhưng vẫn rất khó nhận ra. Sống ở trên đời, ai mà không có khuyết điểm. Có khuyết điểm và nhận khuyết điểm đó là lẽ tự nhiên, nhưng đối với nhiều người đó là một khó khăn, một gánh nặng về tư tưởng.

- Chúng ta cần hiểu rằng con người (trong đó có mỗi chúng ta) đều có tâm lý thích khen hơn chê. Do đó, khi con người có khuyết điểm, có sai lầm, tốt nhất là chúng ta không nên trực tiếp nói thẳng ngay vào khuyết điểm, sai lầm của họ. Vì làm như vậy người được góp ý luôn cảm nhận "bị người khác dạy đời" và lòng tự trọng của mỗi người tự nó chối bỏ sự góp ý cương trực, thẳng thắn như vậy. Đó cũng là cách giải thích tại sao ở đời người cương trực, thẳng thắn trong lời nói lại thường bị thua thiệt và gặp khó khăn trong các mối quan hệ.

- Việc góp ý cho người luôn là một nghệ thuật. Ví dụ: cấp dưới góp ý cho cấp trên, nghệ thuật ấy thể hiện khá rõ nét, bởi tính cảnh giác, tính e dè, tính ngại ngần của người là cấp dưới mách bảo cho họ phải khéo léo, chú ý cách dùng từ, cách diễn đạt khi góp ý cho cấp trên. Nhưng mỗi khi cấp trên góp ý cho cấp dưới, tính quyền lực, tính thứ bậc, tính bề trên... dễ làm cho họ ít chú ý đến sự khéo léo tế nhị cần phải có khi góp ý cho người khác. Họ hay nói thẳng, nói lớn, thậm chí dùng lời lẽ không nhẹ nhàng, cá biệt còn có người có thói quen "nghiến răng, chì chiết", "điểm tên chỉ mặt", nêu gay gắt mà vấn đề cấp dưới phạm sai lầm. Hoặc như mối quan hệ giữa người lớn và người nhỏ tuổi, bạn bè cùng trang lứa, đồng nghiệp... cũng đều xảy ra trường hợp tương tự.


- Tính đường vòng trong việc góp ý cho người khác luôn là cách làm có hiệu quả nhất: 

+ Đường vòng đó có thể là khởi đầu cho những ưu điểm, thành tích, từ yêu cầu nhiệm vụ đặt ra và tiếp cận vào vấn đề cần góp ý, tác động vào người được góp ý một cách nhẹ nhàng nhưng rõ ràng và có hướng mở cho họ con đường khắc phục hậu quả, phấn đấu vươn lên; 

+ Đường vòng đó có thể từ tình hình chung của một tập thể, đánh giá rõ ưu điểm của cái chung, của từng lĩnh vực, nắm chắc nguyên lý "ưu khuyết nào cũng có địa chỉ cụ thể" và từng bước tiếp cận vào vấn đề góp ý, gắn vào từng bộ phận, từng con người cụ thể; 

+ Đường vòng đó có thể là làm rõ trách nhiệm của bản thân trước mới, từ đó từng bước tiếp cận vào vấn đề góp ý cho người khác; 

+ Đường vòng đó có thể được thực hiện theo phương pháp Sôcrat, hay còn gọi là "phương pháp đở đẻ tư tưởng"; bằng cách đặt ra nhiều câu hỏi hợp lý, đánh vào cái lợi, cái tâm lý được hơn của người khác, giúp và hướng họ trả lời "phải", "có"; rồi cứ từ từ "phải", "có" này đến từ "phải", "có" khác, người ta sẽ nhận ra vấn đề chúng ta cần nói. Muốn vậy, khi góp ý cho người cần tránh nêu những quan điểm mà người đó bất đồng với mình, tránh nêu ngay vào khuyết điểm, cần nêu những vấn đề hai bên cùng quan tâm. Cố gắng chứng minh rằng mục đích của hai người là giống nhau, nếu có khác nhau chỉ khác về phương pháp, cách làm. Nếu các câu hỏi nêu ra không khôn khéo, để họ nói từ "không" ngay từ đầu, đó là sự báo trước cho việc không thành công.

Nếu thấy bài viết hay và thực sự hữu ích đối với bạn, hãy Like và G+1 nhé! Đó thực sự là nguồn động lực to lớn để mình viết nhiều và thật nhiều hơn nữa!
DMCA.com