Nếu muốn cải cách giáo dục thật sự, trước hết cần làm rõ mục đích của
việc học bằng cách trả lời câu hỏi: Học để làm gì?
- Con người là một động vật kỳ lạ khi phải dành đến hàng chục năm để đi học
mới có thể lo cho cuộc sống của mình ở mức trung bình. Điều này hoàn toàn khác
với các động vật khác khi hầu hết đều có thể tự lo cho cuộc sống của mình gần
như ngay khi mới ra đời.
Suốt đời đi thi
Suốt đời đi thi
Vậy với người xưa: Học để làm gì?
- Nhìn vào cách thức tổ chức học tập và thi cử có thể thấy rằng ngày xưa học
là để làm quan. Mục đích chính của việc học là để ra ứng thí, nếu đỗ đạt thành
ông nghè, ông cử sẽ được bổ nhiệm làm quan. Nếu thi rớt chờ khóa sau thi lại.
Chính vì thế mới có người suốt đời đi thi, hoặc cả bố cả con đều thi cùng một
khóa.
- Vì sao vậy? Vì đó là cách thức tiến thân và khẳng định mình nhanh nhất và
duy nhất trong xã hội phong kiến với thứ bậc “sĩ, nông, công, thương” được phân
định rõ ràng. Đó là một đầu tư lớn, một khát vọng đổi đời cháy bỏng, nhiều khi
vượt qua cả các nhu cầu sinh lý thông thường. Vì thế mới có chuyện “chàng chưa
thi đỗ thì chưa động phòng”, “chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng”, “võng anh đi
trước võng nàng theo sau”…
- Chính mục đích học để làm quan này đã chi phối toàn bộ nội dung học tập, thi
cử và phương pháp học tập đi kèm. Đơn cử có thể thấy do học để làm quan nên nội
dung học chỉ để đi thi. Ngay cả với những người “sôi kinh nấu sử” trong suốt
hàng chục năm thì nội dung cũng không vượt quá khỏi bộ Tứ thư, Ngũ kinh và một
số kỹ năng thơ phú điển hình. Lý do thật đơn giản: đề thi chỉ xoay quanh các
tài liệu và kỹ năng này.
- Nếu để ý kỹ hơn sẽ thấy trọng tâm xuyên suốt của việc học thời đó là học ứng
xử, tất nhiên là giữa người với người, sao cho phù hợp với trật tự xã hội phong
kiến. Chính vì thế mới có khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn”. Lễ ở đây hiển
nhiên là về phép tắc ứng xử, nhưng còn văn? Văn ở đây, tức phần nội dung, cũng
phần nhiều là nội dung của ứng xử trong các tình huống cụ thể.
- Khẩu hiệu này hiện vẫn còn phổ biến trong các trường học. Sự xuống cấp của
đạo đức xã hội, đặc biệt trong ứng xử giữa người và người, lại càng làm cho
khẩu hiệu này có thêm lý do tồn tại.
Không biết học để làm gì
- Tháng 6 đến 8-2013, tôi có dịp khảo sát bằng cách hỏi trực tiếp các em học
sinh từ cấp trung học cơ sở (khoảng 80 em) đến sinh viên đại học (khoảng 100
em), và một số phụ huynh nhân dịp con em họ thi đại học (100 phụ huynh), với
câu hỏi “Học để làm gì?”, thì câu trả lời rơi vào các nhóm như sau:
* Không biết học để làm gì. Học vì bố mẹ bảo học. Học vì tất cả mọi người
đều như vậy. Học vì không biết làm gì khác. Đây là trường hợp phổ biến với học
sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông, chiếm trên 80%, và một phần lớn
trong sinh viên, khoảng 50%.
* Học để có công ăn việc làm. Học để kiếm tiền. Đây là câu trả lời phổ
biến của sinh viên đại học, chiếm 40-50%, và một phần nhỏ của học sinh phổ
thông trung học, khoảng 20-25%.
* Học để có thể tự lo cho cuộc sống của mình, kiếm được công việc phù hợp,
sau này đỡ khổ và giúp đỡ gia đình. Đây là câu trả lời của phần lớn phụ huynh
trong kỳ thi đại học vừa rồi, chiếm 80-90%.
* Học để mở mang hiểu biết. Đây là câu trả lời chung trong các nhóm
khác nhau, chiếm 5-10%, tùy theo nhóm.
* Học để tự hoàn thiện mình. Đây là câu trả lời của một vài trường hợp
cá biệt, tỉ lệ 2-4%, tùy theo nhóm.
- Như vậy có thể thấy phần lớn các bậc phụ huynh đặt mục tiêu cho việc học của
con để sau này có một công ăn việc làm tốt, kiếm được tiền lo cho bản thân và
gia đình. Một số khác ít hơn cho rằng học để mở mang hiểu biết, có địa vị trong
xã hội.
- Với sinh viên thì mục tiêu học để kiếm tiền, có công ăn việc làm chiếm
khoảng một nửa, còn lại là không có bất cứ mục tiêu nào.
- Điều ngạc nhiên là trong số những người được hỏi, có đến hơn 95% cho biết họ
chưa từng tự đặt câu hỏi này cho bản thân mình.
- Xét về logic thì đây là một sự bất hợp lý: vì một đầu tư lớn như vậy về thời
gian và tiền bạc mà mục đích lại không rõ ràng. Đấy là với phạm vi của cá nhân
và gia đình. Với hệ thống giáo dục liên hệ đến hàng chục triệu người, thì tính
hướng đích của hệ thống cũng rất mờ nhạt. Tất cả đều quay cuồng dạy và học, đua
nhau nhồi nhét kiến thức, mà rất ít khi dừng lại tự hỏi: để làm gì?
Làm chủ cuộc đời
- Học để làm gì thật sự là vấn đề trọng tâm của mọi hoạt động giáo dục. Chính
vì vậy, khi chuẩn bị bước sang thiên niên kỷ mới, Ủy ban Giáo dục của UNESCO đã
công bố một báo cáo có tên “Học tập: kho báu bên trong mỗi người”, trong đó có phần
trả lời cho câu hỏi “Học để làm gì?”. Theo UNESCO: học để biết, học để làm, học
để xác lập mình và học để chung sống với người khác (Learning to know, learning
to do, learning to be and learning to live together).
- Như vậy, UNESCO đã xây dựng bốn trụ cột cho việc học, và lấy đó làm định
hướng cho giáo dục của thiên niên kỷ mới. Cái học để ứng xử của người xưa nay
chỉ còn là một phần trong quan niệm của UNESCO: học để chung sống với người
khác. Còn quan niệm học để kiếm tiền, để có công ăn việc làm phổ biến trong phụ
huynh và sinh viên đại học hiện nay thì cũng chỉ nằm ở một góc khác: học để làm.
- Hai trụ cột khác rất quan trọng: học để biết và để xác lập bản thân mình thì
hiện ra rất mờ nhạt trong hệ thống giáo dục. Thậm chí, cái học để biết đã biến
dạng thành học để thi, để chạy theo thành tích cho đẹp báo cáo lên cấp trên.
Điều này dẫn đến một thực tế rất bi hài, nhưng lại là gam màu chủ đạo trong
giáo dục hiện thời: học không biết để làm gì, hoặc học để thi nhưng thi rồi
cũng không biết để làm gì. Tất cả quay cuồng trong một cơn học và dạy không mục
đích, không khai sáng.
- Trả lời cho câu hỏi “Học để làm gì?” của UNESCO là một câu trả lời hay,
nhưng không phải duy nhất. Trong quá trình tham gia các hoạt động giáo dục và
trực tiếp trải nghiệm nhiều nền giáo dục khác nhau (VN, Hàn Quốc, Áo, Anh,
Singapore), tôi rút ra một điều rằng: học để phát triển được hết năng lực của
mỗi cá nhân, và thông qua đó giúp họ làm chủ cuộc đời mình, tìm được ý nghĩa
của đời sống mình mới là mục đích của việc học. Khi đã phát triển tốt nhất năng
lực của bản thân mình, tìm thấy được ý nghĩa của đời sống mình thì tự động họ
sẽ đóng góp cho xã hội như một hệ quả.
GIÁP VĂN DƯƠNG