Login

Thứ Sáu, 3 tháng 1, 2014

Lục tiến: 6 việc cần làm để có sự phát triển nhanh và bền vững (tập 2)

- Việc đầu tiên của chúng ta cần phải làm là định hướng cuộc đờitích lũy hành trang. Tiếp theo ta cần làm như sau:


Dấn thân, trải nghiệm

- Trong cuộc sống và công việc, vấn đề dấn thân, trải nghiệm được ví như tham gia khóa huấn luyện có giá trị thực tế cao nhất, phong phú nhất nhưng cũng đầy gian truân.

- Dấn thân là có sự quyết tâm và ý chí, có những hành động thực tế rõ ràng, dồn sức vào những công việc đã định hướng từ trước, bất chấp khó khăn, gian khổ. Luôn thể hiện rõ tính tiên phong, dẫn đầu, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc công việc được giao.

- Khi đảm nhận bất cứ công việc nào, cũng đều thể hiện sự tận tụy, miệt mài, gắng công, gắng sức, thể hiện rõ ý thức trong công việc, làm có năng suất, chất lượng với tinh thần năng động, sáng tạo, đặc biệt là có niềm vui trong công việc, vui thực lòng là được vinh dự làm công việc khó khăn đó chứ không vui giả tạo, miễn cưỡng. 

- Trong ý thức làm là để hoàn thành thật tốt công việc, để được trải nghiệm, để có cơ hội rút ra những bài học thực tế sâu sát nhất, chứ không phải làm để kể công. Tuyệt đối không được kể công, không kêu ca, không chùn bước, không ngại khó, ngại khổ. Sẵn sàng xung phong vào những nơi, những việc khó khăn nhất, chịu đựng tất cả để được nếm trải cuộc sống. Hãy là một bông hoa tươi thắm giữa đồng khô nắng hạn. Hãy là cây tùng, cây bách trong đông giá, đồi sương. Đặc biệt là những bạn trẻ, nếu sớm có suy nghĩ ngại khó, ngại khổ, thích hưởng thụ thì sẽ không bao giờ có được những kiến thức quý báu từ thực tế, và cho dù gặp được thời cơ thuận lợi để chớp lấy địa vị nhất định, lợi ích nhất định trong xã hội thì sớm muộn cũng sẽ bị mất hết vì không có kiến thức đối chọi khi thời thế xoay chuyển.
-  Để sau này trở thành những người lãnh đạo, quản lý thì môi trường lãnh đạo cũng là như vậy. Để trở thành người lãnh đạo, quản lý giỏi cần phải như thế, không thể nào khác được. Có thể nói bất kỳ ai chưa qua khóa huấn luyện "dấn thân trải nghiệm" đều là những người thiếu kinh nghiệm, phần lớn những quyết định của họ là những quyết định thiếu tính khả thi, hiệu quả công việc bị hạn chế, bàn tiệc họ bày ra có thể nhiều món nhưng chất lượng đều kém.

Xây dựng các mối quan hệ

- Mối quan hệ của mỗi người luôn nằm trong mối quan hệ chung của con người. Đó là mối quan hệ đa chiều, có quan hệ với người trên, người dưới, ngang hàng, có quan hệ bên trong và bên ngoài. Đó có thể là mối quan hệ mang tư cách đại diện cho một tập thể hoặc mang tư cách của cá nhân.

- Với tư cách là người đại diện cho một tập thể như các nhà lãnh đạo, quản lý thì mối quan hệ này vừa có tính rộng rãi, vừa có tính chọn lọc, nhưng phải luôn đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc, lề lối làm việc của tổ chức, vì mục đích xây dựng tổ chức ngày càng lớn mạnh. Không được lợi dụng tư cách của tổ chức để xây dựng các mối quan hệ nhằm phục vụ lợi ích của cá nhân.

- Với tư cách là cá nhân, mối quan hệ cần xây dựng gồm mối quan hệ với các cá nhân bậc trên, cấp trên, với cấp dưới, bậc dưới và các quan hệ ngoài tổ chức, tập thể.

- Xây dựng mối quan hệ với các cấp trên, bậc trên, đó là mối quan hệ thể hiện rõ sự kính trọng, tin tưởng, ủng hộ và chấp hành, là mối quan hệ luôn sẵn lòng thổ lộ tâm tư, tình cảm và chân tình góp ý khéo léo cho cấp trên, bậc trên những điều cần thiết, xây dựng một quan hệ thực tâm, thực lòng, yêu mến và dương mưu. Tránh tình trạng trước mặt thì cung kính, nhưng đằng sau thì coi thường cấp trên, bậc trên, vì sớm muộn thì bản chất cũng bị bại lộ, và điều này làm ảnh hưởng rất lớn và nghiêm trọng vào sự tin tưởng của cấp trên, dẫn đến việc không thể tiến thân.

- Xây dựng mối quan hệ với cấp dưới, bậc dưới, đó là mối quan hệ thể hiện rõ tính làm gương, thể hiện sự thân ái, hòa đồng, chung sức, chung lòng thực hiện lợi ích chung của tập thể hoặc tổ chức. Đó là mối quan hệ bình đẳng, thủy chung, tạo điều kiện cho tất cả mọi người đều phát triển tốt. Tránh kiểu quan hệ "bợ trên đạp dưới", sai bảo vô lý... sẽ dẫn đến sự chống đối ngầm từ cấp dưới, bậc dưới từ lúc nào không hay biết.

- Xây dựng các mối quan hệ ngoài tổ chức, tập thể, trước hết đó là mối quan hệ với cộng đồng dân cư nơi mình công tác, học tập và sinh sống. Mối quan hệ này tưởng chừng như xa xôi, khó gần nhưng nếu muốn tiến thân trong sự nghiệp thì đặc biệt quý giá. Bài học gần cuộc sống xã hội là ở đây. Để được hiểu mình, hiểu người, hiểu đời cũng là đây chứ không đâu xa. Khi có mối quan hệ tốt với cộng đồng dân cư nơi mình sinh sống, học tập và công tác, ta sẽ có thêm nhiều thuận lợi, sự an toàn cho công việc và cuộc sống.

- Tiếp đó là mối quan hệ có tính chất ân nghĩa trong đời (với thầy cô, ông bà, cha mẹ, với những người đã từng giúp đỡ mình...) Đây là mối quan hệ cao quý, trong sáng và hạnh phúc nhất, thể hiện rõ nét và đầy đủ nhất đạo lý làm người, đạo lý "uống nước nhớ nguồn". Trong đời, những ai coi trọng xây dựng và thực hiện tốt mối quan hệ này là người đáng học tập và tin tưởng nhất.

- Các quan hệ khác, đó là những quan hệ có ý nghĩa làm chỗ dựa tinh thần, tình cảm, kinh tế, chính trị. Chúng ta cũng rất cần những mối quan hệ này, nhất là mối quan hệ với những người đã từng trải, có nhiều kinh nghiệm sống, người có các khả năng đặc biệt, là mạnh thường quân, là những người bạn chân tình, có cùng chí hướng. Thông qua những mối quan hệ như vậy, ta có thể được giúp đỡ về nhiều mặt kể cả vật chất, tinh thần, đường lối, kinh nghiệm lãnh đạo quản lý, kinh nghiệm sống. Tuy nhiên, đây phải là mối quan hệ vô tư, trong sáng, dựa trên cơ sở đồng cảm, mến mộ, tự nguyện giúp đỡ nhau. Mỗi chúng ta phải luôn giữ thế chủ động, tỉnh táo điều chỉnh mức độ quan hệ sao cho thuận tình, thuận nghĩa, không lợi dụng nhau hoặc bị lệ thuộc.

DMCA.com