- Đọc rất nhiều bài viết về triết học trên internet, tôi thấy rất chỉnh chu, tỉ mỉ nhưng thực chất đem so ra với tầm nhận thức của chúng ta, ngay cả với tôi, thì dường như rất khô khan, trừu tượng, khó hình dung, phức tạp... cho nên dễ dẫn đến cho phần lớn người đọc cảm thấy chán nản, khó hiểu. Do đó, riêng mảng triết học tôi sẽ tự viết ra và giải thích một cách thực tế nhất, đơn giản nhất, bình dị nhất để chúng ta cùng chiêm nghiệm và thực sự thấy thích thú với môn khoa học này.
- Từ thời xa xưa, con người luôn thấy bất lực trước các hiện tượng tự nhiên, hiện tượng của xã hội loài người mà không sao lý giải được, con người luôn thần thánh hóa những hiện tượng đó như là một thế lực siêu nhiên, huyền bí. Những hiện tượng đó, thực chất ngày nay, ta biết được đó chính là sự vận
động của vật chất và ý thức xung quanh ta. Nhưng so với sự hiểu biết
của nhân loại lúc ấy thực sự như một vũng lầy tăm tối, xám xịt, không có
lời giải đáp.
- Tìm hiểu về lịch sử của triết học một chút, thì triết học ra đời ở cả phương Đông và phương Tây gần như cùng một thời gian (khoảng thế kỷ thứ VIII đến VI trước công nguyên) tại một số trung tâm văn minh cổ đại của nhân loại như Trung Quốc, Ấn Độ, Hy Lạp. Ở Trung Quốc, thuật ngữ triết học có gốc ngôn ngữ là chữ triết, người Trung Quốc hiểu triết học là sự truy tìm bản chất của đối tượng, triết học chính là trí tuệ, là sự hiểu biết sâu sắc của con người.
- Ở Ấn Độ, thuật ngữ Dar'sana (triết học) có nghĩa là chiêm ngưỡng, nhưng mang hàm ý là tri thức dựa trên lý trí, là con đường suy ngẫm để dẫn dắt con người đến lẽ phải.
- Ở phương Tây, thuật ngữ triết học xuất hiện ở Hy Lạp. Nếu chuyển từ tiếng Hy Lạp cổ sang tiếng Latinh thì triết học là Phisolophia, nghĩa là yêu mến sự thông thái. Với người Hy Lạp, phisolophia vừa mang tính định hướng, vừa nhấn mạnh đến khát vọng tìm kiếm chân lý của con người.
- Ta biết những nhà hiền triết vĩ đại như Socrate, Platon, Aristote, Voltaire, Khổng Tử, Galie... và ngày nay được cả thế giới công nhận là những nhà hiền triết vĩ đại nhất là Các Mác, Ăngghen, Lenin. Nhân loại tôn vinh họ là những bậc hiền triết, sở dĩ vì họ tìm ra và khai sáng cho nhân loại những chân lý, những quy luật vận động của vật chất và ý thức tồn tại trong thế giới của chúng ta. Họ không những am tường, thông suốt về triết học mà họ còn là những người rất giỏi về nhiều mặt như kinh tế, chính trị, toán học, ngôn ngữ, vật lý học,... Do đó, ta phải nhận thức được rằng triết học là nền tảng của mọi TRI THỨC trong xã hội hiện nay.
- Khẳng định lại một lần nữa, trước hết triết học phải là TRI THỨC, và TRI THỨC ấy là "một hệ thống lý luận chung nhất của con người về thế giới; về vị trí, vai trò của con người trong thế giới ấy". Nghĩa là tri thức về những gì là chung nhất, đó là triết học. Triết học vốn dĩ ở thời cổ đại là toàn bộ tri thức của nhân loại, nhưng sau này khi hiểu biết của con người rộng ra thì triết học mới được tách ra làm một môn khoa học riêng so với môn toán học, vật lý học, hóa học, kinh tế học, ngôn ngữ học, tâm lý học...
- Triết học được hình thành xuất phát từ thực tiễn của con người trong quá trình tồn tại, chinh phục tự nhiên và xã hội. Con người muốn nắm bắt những quy luật, bản chất của sự vật, sự việc, hiện tượng quanh mình trước hết là để tồn tại, sau đó là cải tạo lại tự nhiên và bản thân. Triết học hiện đại chỉ quan tâm đến 2 vấn đề cơ bản đó là quan hệ giữa tư duy (ý thức con người) và tồn tại (vật chất, thế giới khách quan); để trả lời hai câu hỏi lớn:
+ Giữa ý thức và vật chất cái nào có trước, cái nào có sau, và cái nào quyết định cái nào?
+ Con người có khả năng nhận thức được thế giới hay không?
- Chắc chắn ai trong chúng ta ngày nay, có hiểu biết tiến bộ, cũng đều biết rằng vật chất có trước, ý thức có sau và vật chất quyết định ý thức, còn ý thức có thể tác động trở lại vật chất. Con người có khả năng nhận thức được thế giới này. Kết luận đó, chính là từ triết học Mác - Lenin, từ những nhà hiền triết vĩ đại nhất của nhân loại ngày nay. Do đó, sau này những vấn đề tôi phân tích, mổ xẻ, dẫn chứng... cũng sẽ dựa vào triết học Mác - Lenin làm chủ đạo. Và tôi sẽ chứng minh cho thấy rằng triết học Mác - Lenin là nền tảng TRI THỨC khoa học nhất, hiện đại nhất và sâu sắc nhất của nhân loại để am hiểu về thế giới này. Nó sẽ lý giải một cách chính xác, căn bản nhất những sự vật, sự việc, hiện tượng... mà chúng ta thấy hàng ngày. Nó lý giải rất khoa học và có tính ứng dụng thực tế cực kì cao về hầu hết những vấn đề liên quan đến kinh tế, chính trị, văn hóa, tư tưởng, xã hội, tâm lý, cách sống của con người hiện nay.
- Lời kết: Tôi đã học triết học và từng bước thông qua nó ứng dụng vào thực tế, tôi thực sự ấn tượng về hiệu quả mà nó đem lại cho tôi trong mọi mặt của cuộc sống. Còn bạn thì sao?